Mã vạch QR và những ứng dụng trong cuộc sống
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp mã QR ở khắp mọi nơi, tại các trung tâm mua sắm hoặc các cửa hàng tiện lợi, trên thẻ căn cước công dân, tờ khai Hải quan,… Gần đây, ngành y tế đã áp dụng mã QR để thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc Bộ Giao thông Vận tải có quy định về đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải toàn quốc, phân làn cho xe luồng xanh tại các chốt kiểm dịch Covid -19. Các xe có gắn mã QR chỉ dừng lại để quét mã trong tích tắc là vào luồng xanh qua chốt, rất nhanh chóng, thuận tiện. Vậy mã vạch QR có những đặc tính gì để có thể ứng dụng được rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày.
Mã QR là loại mã vạch ma trận (hay mã vạch hai chiều) được công ty Denso Wave, Nhật Bản phát minh năm 1994. Chữ “QR” xuất phát từ “Quick Response”, trong tiếng Anh có nghĩa là “Đáp ứng nhanh”.
Các đặc tính kỹ thuật của mã QR đã được hai tổ chức tiêu chuẩn quốc tế là Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban điện quốc tế (IEC) công bố thành tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 18004:2000 (hiện nay là ISO/IEC 18004:2015). Việt Nam có tiêu chuẩn quốc gia về mã QR là TCVN 7322:2009 (chấp nhận tiêu chuẩn ISO/IEC 18004:2006).
Mã QR là loại mã chứa được nhiều dữ liệu, độ mã hóa cao, đọc được mọi hướng (360 độ) với tốc độ cao bằng máy quét và có thể phục hồi lỗi tốt (có thể khôi phục khi bị hỏng 30% mã).
Mã QR mang được ký tự chữ và số, kể cả chữ tượng hình (Nhật Bản, Trung Quốc,…) và nhiều dữ liệu với diện tích nhỏ:
Bảo mật: Mã QR có thể mang những thông tin cá nhân, và nhu cầu thông tin cá nhân cần được bảo vệ ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, Denso wave, đơn vị phát minh ra mã QR, đã phát triển loại mã QR mới có tính năng an ninh là “Security QR Code (SQRC)”. Mã SQRC = Mã QR + Khóa Mật mã (Ký tự số hoặc chữ). Để đọc được mã SQRC cần phải có thiết bị đọc chuyên dụng có khả năng đọc được dữ liệu không công khai với cộng đồng.
Lĩnh vực áp dụng: Tất cả các ngành: Mã QR đang được sử dụng ở nhiều ứng dụng và có thể đọc ở bất kỳ đâu, khi nào bằng một điện thoại di động. Một số ví dụ về ứng dụng mã QR:
– Mã QR trên thiết bị di động được sử dụng cho hệ thống kiểm soát lên xuống máy bay: kiểm tra hành khách; Kiểm tra an ninh, kiểm tra hàng hóa, kiểm tra vào cổng lên máy bay;
– Mã QR được in trên vé lên du thuyền (Vé sẽ bao gồm thông tin: số hộ chiếu, địa chỉ và tên du khách. Mã QR được in trên vé sẽ là giấy biên nhận để hành khách nhận lại hộ chiếu của họ tại quầy kiểm tra. Làm vé khi nhận đồ ăn hoặc thức uống,…);
– Truy tìm nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa;
– Kết quả xét nghiệm máu (Hỗ trợ nhập dữ liệu hiệu quả cho nhiều mẫu xét nghiệm);
– Quản lý hoạt động nạp ga, theo dõi vòng đời bình ga và mức tiêu thụ ga của hộ gia đình bằng mã QR gắn trên bình ga. Quản lý khối lượng ga sử dụng và hồ sơ hóa giúp tạo thuận lợi cho việc quản lý bán hàng thường xuyên. Có thể thiết lập một hệ thống không cần trực tuyến bằng cách sử dụng dữ liệu về vỏ bình có gắn mã QR);
– Thương mại điện tử sử dụng điện thoại di động: Khi người mua hàng quét mã QR in trên tờ giới thiệu, tờ rơi bằng điện thoại di động, khách hàng sẽ ngay lập tức kết nối được đến nhà cung cấp vé xem phim, vé máy bay và các hướng dẫn du lịch,…
-Ứng dụng mã QR và sử dụng điện thoại di động trong nông nghiệp: Mỗi gói rau có một mã phân định đơn nhất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mã QR trên gói rau mã hóa tên rau, mã số phân định, mã truy xuất nguồn gốc và ngày bao gói,…. Sử dụng điện thoại di động để quét mã QR phục vụ truy xuất, tra cứu, tạo thuận lợi trong quá trình truy xuất và cho phép người bán lẻ thu hồi các gói rau không còn tươi; người mua hàng có thể truy xuất được thông tin nông trại trồng sản phẩm…
Trả lời